Nơi "hứng sóng" của cô Tâm là đỉnh đồi,ữngcôgiáođihứngInternetvềdạyhọctròtỷ lệ cược châu âu cách trường mầm non Hoa Huệ khoảng 300 m. Cô giáo chủ nhiệm lớp ghép 3,4 và 5 tuổi thường lên đó tải tài liệu mỗi lần mất mạng. Nhưng đỉnh đồi cũng không có sóng nếu trời mưa, Tâm phải đi xe máy 40 km xuống thị trấn để xin wifi. Những hình ảnh, video tải từ trên mạng là cả một thế giới mới mẻ của đám học trò vùng cao.
12 năm trước, Lò Thị Tâm nhận quyết định điều động về công tác ở điểm trường Trống Trở, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, cách nhà hơn 100 km. Từ Quỳnh Nhai, Sơn La cô gái 21 tuổi khoác chiếc ba lô đựng sách, tài liệu và ít lương thực cho những ngày đầu tiên, đi cắm bản.
Cô Tâm kể hôm đầu tiên đến trường mất ba tiếng đi bộ hơn 10 km từ ủy ban xã vì đường đất nhão nhoẹt, xe máy bị lún bánh. Một bên là vách núi, một bên là vực, cô vừa đi vừa khom người bám nhưng vẫn ngã mấy lần vì trơn, chân tay trầy xước, bùn đất lấm lem. Đến nơi, thấy ba lô tài liệu, giáo án vẫn nguyên vẹn, Tâm mới thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng tấm biển tên trường được viết bằng phấn, chữ còn chữ mất khiến cô giáo trẻ sững người. "Dù đã lường trước nơi đây khó khăn và nghèo nhưng tôi không ngờ có thể đến mức ấy", Lò Thị Tâm nói. Lớp học lắp ghép tạm bằng ván gỗ rộng chừng 30 m2, dưới nền đất để vài chậu hứng nước mưa dột. Chưa kể trường không có nhà vệ sinh, không có bếp ăn.
Lớp có 35 học sinh, 100% đều là dân tộc Mông. Các em không hiểu tiếng Kinh nên những buổi đầu muốn giao tiếp hay kể chuyện cho học trò, cô Tâm phải vừa chỉ vào sách vừa diễn tả bằng hành động. Đến tiết âm nhạc, cô giáo hát, múa liên tục vài tiếng vì không có nhạc, chỉ mong học trò nhớ được vài câu, thuộc vài động tác.
"Thỉnh thoảng tôi sẽ đi in tranh lên khổ A3 cho học trò xem nhưng dạy được vài buổi là hết, không đủ tiền để duy trì mỗi ngày", cô Tâm nói.
Muốn có tư liệu dạy mới, Tâm vượt hơn 40 km xuống thị trấn Mù Cang Chải để đọc sách ở thư viện, ghi chép vào sổ tay. Nhiều hôm chưa về đến trường trời đã tối, sương mù dày đặc che kín lối đi, một mình cô giáo trẻ vừa soi đèn vừa dò từng bước chân, mong sao không trượt xuống vực.
Cứ thế mãi đến đầu năm 2022, điểm trường Trống Trở được nâng cấp thành nhà cấp 4 lợp mái tôn, lần đầu được chiếu sáng bằng đèn điện. Ngày điện về bản, cô Tâm quyết định mua trả góp một cái laptop cũ giá ba triệu đồng để dạy học qua Internet. Từ đó, mỗi chuyến từ thị trấn về, máy tính của cô lại chứa đầy những hình ảnh, video nhạc thiếu nhi, audio truyện cổ tích.
"Mỗi lần đi bắt sóng không khác gì "đánh trận", có hôm mưa lớn sạt lở, nước chảy cuồn cuộn, cả người cả xe suýt trôi xuống vực", cô Tâm nói.
Vất vả nhưng sự sung sướng của lũ trẻ người Mông mỗi lần thấy máy tính bật lên, cô Tâm lại thấy mọi mệt nhọc đã được đền đáp xứng đáng. Lần đầu được nghe bài hát "Như có Bác trong ngày đại thắng", cô ngạc nhiên khi các em thuộc làu giai điệu sau mấy lần phát lại, điều mà trước đây mất mấy tháng để dạy mà các em chỉ nhớ được vài câu.
Rồi khi được cô cho tham quan vườn bách thú qua mạng, có em nhanh tay lấy giấy vẽ lại để ghi nhớ hình dáng hươu cao cổ, thỏ rừng. Nhóm thì thi nhau bắt chước tiếng khỉ gọi đàn, tiếng hổ gầm inh ỏi khắp bản.
Cũng nhờ có Internet học trò của cô Tâm mới biết thế nào là tiếng còi ôtô. "Lúc được xem phim thiếu nhi xong, các em xung phong đứa muốn làm giáo viên, đứa muốn làm bác sĩ. Tôi hạnh phúc khi thấy học trò bắt đầu biết ước mơ", cô giáo 33 tuổi nói.
Không chỉ điểm trường cô Tâm, hơn 40 điểm lẻ thuộc các trường mầm non trên địa bàn huyện Mù Cang Chải chưa có sóng điện thoại, Internet, thậm chí một số điểm còn chưa có điện do nằm ở vùng sâu, vùng xa.
Ông Trịnh Thế Bình, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết hiện tại không thể tiếp cận các điểm trường bản bằng hệ thống Internet hữu tuyến nên đang tính đến phương án phát wifi không dây. "Tuy nhiên tốc độ và chất lượng đường truyền wifi khá kém, lắp đặt xong không đáp ứng được nhu cầu của mọi người lại tốn nhiều chi phí", ông Bình nói.
4h sáng, lội qua con suối chảy xiết, nước ngập có khi quá nửa người, đi bộ tiếp 4-5 km đường đồi núi dốc thẳng đứng, sau ba tiếng, cô giáo Lò Thị Nhung (31 tuổi) có mặt để kịp giờ lên lớp tại trường Háng Đề Sủa, trường mầm non Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.
Cách trung tâm xã hơn 5 km nhưng ở đây hoàn toàn mất kết nối với bên ngoài. Khi lớp có học sinh vắng mặt hay muốn cập nhật tình hình học tập với phụ huynh, cô Nhung đều phải đến tận nhà từng em. Nhà học trò thường nằm cheo leo trên các đỉnh đồi, có lần đi cả ngày cô mới đến được ba, bốn nhà.
Để học sinh được tiếp cận với công nghệ thông tin, mỗi tháng cô Nhung tốn vài trăm nghìn đồng để đăng ký mạng 3G ở điện thoại rồi phát qua máy tính. Tuy nhiên sóng chập chờn, lúc được lúc không, có hôm tiết tập đọc, khoảng 15 phút máy mới phát âm được một từ rồi lại rớt mạng, cô trò mất cả buổi mới nghe được hết bài.
"Có lúc đang dạy phải chạy đi bắt sóng trên đồi cách trường mấy km nhưng hôm có hôm không. May mắn lắm khi trời quang đãng cả cô cả trò kéo ghế ra sân dò mạng", cô Nhung nói.
Trận lũ quét đầu tháng 8/2023 cuốn trôi mất chiếc xe máy, sách vở, tài liệu của cô Tâm nhưng "vẫn may mắn khi giữ được chiếc laptop chứa bài giảng mấy năm qua sưu tầm được".
"Tài sản lớn nhất của tôi giờ chỉ nằm gọn trong máy tính, cả cô cả trò tiếp tục cùng thoát nghèo, vượt khó nhờ con chữ", cô Tâm nói.
Cầm nắm cơm nguội đứng trước cửa, sáng nào Vừ Thị Xia (5 tuổi, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải) cũng đợi cô Tâm đón đi học. Xia nói sau này muốn làm hướng dẫn viên du lịch, được đi khắp nơi khám phá cảnh đẹp mà từng được cô Tâm cho xem qua mạng.
"Mỗi ước mơ của đám trẻ lại tiếp thêm sức mạnh cho tôi cống hiến cho giáo dục vùng cao đến khi không còn sức", cô Tâm nói.
Để cải thiện điều kiện học tập cho học sinh Mù Cang Chải, Yên Bái, Quỹ Hy vọng – báo VnExpress tiếp tục nhận quyên góp trong chương trình Ánh sáng học đường. Mỗi sự chung tay của quý độc giả là thêm một tia sáng gửi thế hệ tương lai. Quý độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.
Thanh Nga